Giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học có tầm quan trọng đặc biệt, bởi đây là lứa tuổi ưa tìm hiểu, khám phá và dễ tiếp thu ứng dụng công nghệ. Được trang bị kỹ năng cơ bản về sử dụng công nghệ và truyền thông an toàn, đúng cách sẽ giúp các em tránh rủi ro, nguy hiểm từ môi trường mạng; đồng thời, phát triển tư duy logic, sáng tạo.
Nội dung giáo dục kỹ năng công dân số dành cho cấp tiểu học bao gồm chương trình giáo dục phổ thông môn Tin học cấp tiểu học và các nội dung được xác định dựa trên khung năng lực số dành cho học sinh cấp tiểu học.
Các nội dung giáo dục kỹ năng công dân số được lựa chọn đáp ứng 7 miền năng lực trong khung năng lực số với 26 năng lực thành phần. Mỗi năng lực thành phần được mô tả chi tiết, các mô tả này làm rõ những kiến thức, kỹ năng và mức độ đạt được của học sinh tương ứng với mỗi miền năng lực và mỗi năng lực thành phần, đảm bảo có thể đo lường được.
Để giúp giáo viên ứng dụng kĩ năng công dân số vào dạy học một cách linh hoạt, hiệu quả, ngày 07/11/2024, tổ CM khối 4 trường Tiểu học Nguyễn Thái Học đã tổ chức chuyên đề “ Ứng dụng công dân số trong dạy học’. Tham dự và chỉ đạo tại chuyên đề có cô giáo Đinh Thị Thu Phương – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường cùng các cô giáo trong Ban giám hiệu và giáo viên trong tổ CM khối 4. Tiết dạy kết nối với 06 lớp 4 của nhà trường và kết nối với 02 lớp 4 trọng điểm của trường TH Kim Đồng. Đây là một nội dung thiết thực, góp phần trang bị cho giáo viên những kỹ năng, phương pháp nhằm phát huy hiệu quả của công nghệ trong môi trường học đường, từ đó xây dựng kỹ năng công dân số cho học sinh ngay từ bậc tiểu học.
Phần lí thuyết do cô giáo Hoàng Thị Hiền- tổ trưởng tổ CM khối 4 triển khai. Tiết dạy minh họa môn Đạo đức, bài 2: Cảm thông giúp đỡ người gặp khó khăn do cô giáo Đỗ Thị Ánh Quyên thực hiện tại lớp trọng điểm 4B. Trong tiết dạy viên sử dụng công nghệ AI để tạo video tình huống gây hứng thú cho học sinh, giáo viên cũng trực tiếp áp dụng các yếu tố của công dân số vào hoạt động 1 của bài “Những việc làm thể hiện sự cảm thông, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn”. Qua tiết dạy học sinh cũng được trải nghiệm phát triển năng lực số qua việc tra cứu các hình ảnh kỹ thuật số, xác định các quy tắc đơn giản về bản quyền và giấy phép áp dụng cho dữ liệu, thông tin kỹ thuật số và nội dung. Bằng những phương pháp, kĩ thuật dạy học hiện đại, các em học sinh được khám phá các kiến thức mới một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, sáng tạo và gần gũi với công nghệ, đồng thời nâng cao nhận thức về an toàn và trách nhiệm khi sử dụng internet.
Thông qua tiết học, học sinh biết cách dùng máy tìm kiếm để tìm thông tin cần tìm; phát triển năng lực tự chủ, tự học, biết tự tìm kiếm, chuẩn bị và lựa chọn công cụ và hình thức tìm kiểm thông tin trên Internet, thực hiện các hoạt động học tập cá nhân trong giờ học; năng lực giao tiếp và hợp tác, khả năng phân công và phối hợp thực hiện tìm kiếm, lựa chọn thông tin; năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, chủ động xác định và đưa ra phương án trả lời và thực hiện các bài tập, vận dụng kiến thức tin học, kỹ năng công dân số thông qua bài học để giải quyết các vấn đề thường gặp…
Phát biểu chỉ đạo cô giáo Đinh Thị Thu Phương – Hiệu trưởng nói : “Giáo dục kỹ năng công dân số là việc tích hợp, ứng dụng công nghệ số hay phần mềm, ứng dụng vào việc giảng dạy môn Tin học và ở các môn học. Đây là một chương trình giáo dục rất hay và thiết thực. Nếu học sinh ở lứa tuổi tiểu học được giáo dục kỹ năng công dân số một cách bài bản sẽ giúp cho các em tránh được những nguy hiểm trong thế giới trực tuyến”.
Cô giáo Lê Thu Hương – Phó HT phụ trách chuyên môn cũng nhấn mạnh “Để tích hợp công dân số vào các môn học, bài học, trước tiên cần xác định rõ mục tiêu bài dạy về kiến thức kĩ năng, các năng lực phầm chất cần đạt, đối chiếu các hoạt động của bài với các miền năng lực để lựa chọn miền năng lực phù hợp với đối tượng học sinh trong lớp. Việc ứng dụng cần thực hiện một cách linh hoạt, phù hợp với đối tượng học sinh, hiệu quả, tránh hình thức. Các tổ chuyên môn sẽ rà soát nội dung chương trình đối chiếu với các các nội dung khung năng lực số dành cho học sinh cấp tiểu học để xây dựng nội dung tích hợp cho phù hợp, đưa vào kế hoạch dạy học”
Buổi chuyên đề đã mang lại những kiến thức bổ ích và ý nghĩa, giúp giáo viên hiểu tường minh hơn, tự tin hơn trong việc áp dụng công dân số vào giảng dạy, góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho học sinh trở thành những công dân số có trách nhiệm và văn minh trong tương lai.
Chuyển đổi số trong giáo dục đang mở ra nhiều triển vọng hấp dẫn. Các em học sinh sẽ được chuẩn bị tốt để trở thành công dân có trách nhiệm, an toàn và hiệu quả khi tham gia không gian số – một kỹ năng bắt buộc phải có khi trưởng thành.
Một vài hình ảnh trong tiết dạy minh họa:
Lê Thu Hương – Phó HT